TỔNG HỢP PHONG TỤC CÚNG NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN
Marketing
Th 5 12/01/2023
Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian nghỉ ngơi, sụm họp gia đình mà còn là dịp hướng về nguồn cội, ông bà, các vị thần linh đã ban phước lành cho cuộc sống ấm no, bình an trong suốt một năm. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị cho các lễ cúng ngày Tết để đón một năm mới thuận lợi, may mắn.
Lễ cúng Ông Công, Ông Táo
Theo quan niệm dân gian, Ông Công, Ông Táo là vị thần được thiên đình cử xuống để cai quản việc bếp núc, nhà cửa. Chẳng những là người “giữ lửa” cho gia đình êm ấm, Ông Táo còn ghi chép lại cái đúng sai, tốt xấu của gia chủ. Vào 23 tháng chạp hàng năm, Ông sẽ lên chầu Ngọc Hoàng dâng tấu sớ bẩm báo tình hình hạ giới. Vì vậy, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn cho lễ cúng Ông Táo về trời trước khi đón Tết Nguyên Đán.
Theo phong tục dân gian, sau 7 ngày kể từ 23 tháng Chạp, tức là vào ngày 30 tháng Chạp, chúng ta sẽ làm lễ rước Ông Táo về nhà. Thời gian cúng từ 23 giờ đến 23 giờ 45 phút ngày 30 Tết, lễ vật chuẩn bị giống như lễ tiễn Ông Táo về trời.
Cúng Tất niên cuối năm
Trong các lễ cúng ngày Tết, tất niên là lễ cúng để khép lại một năm đã qua và hướng đến những điều tốt đẹp cho năm mới. Vào trưa, hoặc chiều ngày cuối năm, thường là ngày 30 Tết, các gia đình sẽ làm một mâm cơm cúng để mời gia tiên, tiền tổ về ăn Tết với con cháu.
Cúng Giao Thừa
Lễ cúng giao thừa vào đêm 30 Tết hay còn được gọi là cúng trừ tịch hay “tống cựu nghinh tân” có ý nghĩa bỏ hết những điều xấu của năm cũ, đón chào những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Người ta thường chuẩn bị 2 mâm cỗ cúng ngoài trời và trong nhà để nghênh đón tài lộc và cầu giao đạo bình an.
Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời thường gồm: 1 bát hương với 3 nén to, đĩa trái cây, hoa tươi, trầu cau, 2 ngọn nến, gà luộc, bánh, mứt, kẹo và trà rượu. Trong khi đó mâm cỗ cúng trong nhà có thể là mâm mặn bao gồm: Bánh, xôi đậu xanh, giò chả hoặc mâm ngọt gồm có bánh, mứt, kẹo, hoa quả.
Cúng Tân Niên
Lễ cúng Tân niên nhằm cầu mong ông bà, tổ tiên và các bậc thần linh ban cho phước lành, may mắn, giúp gia chủ có một năm mới an khang, thắng lợi. Lễ cúng có thể diễn ra vào buổi trưa hoặc buổi chiều mùng 1, tùy từng gia đình.
Mâm cỗ có tuỳ biến theo điều kiện từng gia đình, nhưng không thể thiếu các món ăn cơ bản ngày Tết là bánh chưng, xôi, gà, giò, thịt lợn,… Trong ngày mùng 1, người ta thường kiêng cử sát sinh, nên việc chuẩn bị gà cúng sẽ được tiến hành vào đêm trước. Sau khi cúng xong con cháu thụ lộc tổ tiên rồi mới đi chúc Tết, thăm hỏi họ hàng, bạn bè.
Lễ Cúng Hóa Vàng
Ông bà xưa quan niệm ăn Tết 3 ngày, nên ngày mùng 3 thường là ngày cuối cùng của Tết. Vào ngày này sẽ làm lễ cúng hoá vàng để tiễn ông bà tổ tiên, đồng thời đón thần tài, thần lộc.